Nhà quay phim – Người ghi lại hình ảnh

Một nhà quay phim hoặc đạo diễn hình ảnh (đôi khi rút ngắn DP hoặc DOP) là người chịu trách nhiệm về việc mặt hình ảnh cho một bộ phim, một music video, TVC hay một chương trình truyền hình bất kỳ. Họ là những người làm việc với máy quay và ánh sáng (cùng nhiều yếu tố khác) sao cho hình ảnh thu được có thể đảm bảo yêu cầu về chất lượng và phù hợp với ý đồ đạo diễn cũng như kịch bản.

CinematographyStudio_Medium

CÔNG VIỆC CỦA NHÀ QUAY PHIM

Như vậy, vai trò của người quay phim là ghi lại hình ảnh. Việc này không hề đơn giản, bởi ngoài những nguyên tắc kỹ thuật mà người làm nghề luôn phải nắm vững, người quay phim còn thường xuyên phải đối diện với những câu hỏi: Làm sao để có góc quay đẹp nhất? Làm sao theo kịp chuyển động, diễn biến tâm lý tinh vi của các nhân vật, những thay đổi trong các yếu tố bối cảnh? v.v… .

Người sáng tạo trong ê kíp

Nhà quay phim không chỉ ghi chép bộ phim một cách thụ động, mà còn phải sáng tạo trong từng khuôn hình. Họ thực sự vừa là một người nghệ sĩ vừa là nhà kỹ thuật. Họ đồng sáng tạo với các đồng nghiệp dưới sự chỉ đạo chung của đạo diễn.

Thường chính nhà quay phim sẽ là một trong những “nhân vật” đầu tiên mà các đạo diễn tìm tới để bàn bạc khi chuẩn bị quay một bộ phim. Họ phải cùng đạo diễn chọn bối cảnh, bàn bạc, thống nhất về phong cách, về các cảnh quay từ trước đó rất lâu.

Đạo diễn Tùng Lee cùng các D.O.P cùng thảo luận về hình ảnh

Một điều quan trọng khác là người quay phim phải có cái nhìn tổng thể về bộ phim mình đang làm. Anh ta luôn phải ý thức được: Nó có phong cách như thế nào? Từng cảnh quay nên xử lí ra sao để mang tính sáng tạo, linh hoạt mà vẫn không làm hỏng “không khí chung” của tác phẩm?…

Nghệ sĩ kiêm kỹ thuật viên

Trước tiên, nhà quay phim là người chịu trách nhiệm về các yếu tố kĩ thuật của các hình ảnh như ánh sáng, lựa chọn ống kính, chọn phim… Không chỉ vậy, nhà quay phim còn phải cùng với đạo diễn để đảm bảo các yếu tố nghệ thuật, thẩm mĩ nhằm hỗ trợ cho ý tưởng của đạo diễn về mặt hình ảnh trong việc kể chuyện.

Là người đứng đầu tổ quay phim, bao gồm cả bộ phận ánh sáng và các kĩ thuật viên liên quan nên họ cũng thường được gọi là Giám đốc hình ảnh (đôi khi được viết tắt là DP = director of photography).

Cùng với đạo diễn, nhà quay phim là người đưa ra những quyết định nghệ thuật, sáng tạo, tác động đến cảm nhận tổng thể và ấn tượng thị giác của một bộ phim trong suốt quá trình làm phim.

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP CỦA NHÀ QUAY PHIM

Nhà quay phim có địa chỉ và điều kiện làm việc rất linh hoạt, tùy vào lĩnh vực quay phim mà bạn tham gia.

Bạn có thể trở thành một người quay phim chuyên nghiệp làm việc trong các đài truyền hình trong cả nước. Đây là nơi tác nghiệp của một bộ phận đông đảo các nhà quay phim. Hiện nước ta có Đài truyền hình Việt Nam và đài truyền hình của 64 tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển trong những năm gần đây của truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số cũng tạo một nguồn việc làm không nhỏ cho người quay phim, đặc biệt là những bạn trẻ.

Làm việc trong đài truyền hình là lựa chọn của rất nhiều quay phim

Bạn cũng có thể làm việc cho các công ty quảng cáo, các công ty truyền thông, các studio… Và bạn có thể làm việc cho chính mình, tức là trở thành một nhà quay phim tự do, đi quay theo các đơn đặt hàng.

Còn nếu bạn muốn đi theo con đường của một nhà quay phim điện ảnh, bạn sẽ làm việc tại:

Các xưởng phim Nhà nước:

Điện ảnh Việt Nam ra đời trong kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Cho đến nay, Nhà nước vẫn duy trì việc đầu tư và chi phối nhiều hoạt động sản xuất phim. Vì vậy, các xưởng phim Nhà nước lớn như: Hãng phim truyện 1, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, Hãng phim hoạt hình,… là môi trường làm việc lí tưởng cho các nhà quay phim.

Các công ty điện ảnh tư nhân

Hiện nay, ở Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty tư nhân tham gia phát triển truyền thông. Một trong các ngành thu hút được sự đầu tư lớn chính là sản xuất phim.

Những tên tuổi như: BHD, Thiên Ngân (Galaxy), Chánh Phương, HK film… không còn xa lạ với người yêu điện ảnh. Bạn có thể trở thành nhà quay phim cho một trong các hãng này. Họ có chính sách huy động vốn hiệu quả, nên nhiều bộ phim được đầu tư tài chính lớn, các nhà quay phim có nhiều điều kiện sáng tạo hơn.

Làm việc cho chính mình

Nếu không muốn bị gò bó, bạn có thể là nhà quay phim điện ảnh tự do, làm việc theo đơn đặt hàng của các đạo diễn. Nếu bạn là nhà quay phim giỏi và tâm huyết, chắc chắc các đạo diễn sẽ không bỏ qua bạn.

[R.E.G] sưu tầm

Comments are closed.

Bình luận